Hướng dẫn thổi tiêu-sáo trúc cơ bản:

ĐÔI ĐIỀU DÀNH CHO CÁC BẠN MỚI TẬP CHƠI SÁO TRÚC
(Từ blog Cầu treo và @Trí Ngủ)
Bài viết này được mình đọc từ khá lâu rồi. Thực sự nó có rất nhiều thứ bổ ích cho các bạn chơi tiêu sáo (sáo trúc), thế nên mình xin phép tác giả được share lại trên website của mình, hi vọng hướng dẫn này sẽ giúp được mọi người trong việc học thổi tiêu sáo (sáo trúc). Mọi người cố gắng đọc kỹ nhé!
Mục lục - Bấm vào mục lục để đến phần cần xem
Lưu ý ban đầu
- Bài viết này chỉ dành cho các bạn tập luyện nghiệp dư. Các bạn có ý định tập chuyên nghiệp và bài bản thì nên tìm cách tập tành thầy bà nghiêm chỉnh ngay từ ban đầu. Thường thì để chơi nghiệp dư với chất lượng từ tốt tới rất tốt chỉ mất vài năm. Nhưng để có ngón có nghệ thì món sáo trúc này yêu cầu các học sinh khoảng 6 năm sơ và trung cấp, thêm vào đó là 4 năm cao cấp. Tổng cộng 10 năm, nghĩa là ngang với ngành y. Do đó không thể lơ là hay học kiểu bình dân được. Hơn nữa khi đã tập nghiệp dư quen ngón quen hơi rồi thì không dễ để trở lại tập chính quy
- Trước khi tập các bạn nên bắt đầu nghe thật kĩ các bản độc tấu sáo được sáng tác và thể hiện bởi các thầy Triệu Tiến Vượng, Đinh Thìn, Ngọc Phan (sáng tác), Nguyễn Đình Nghĩa, Lương Kim Vĩnh (sáo mèo). Và các CD mới của anh Nguyễn Hoàng Anh, thầy Trần Thanh Trung, CD Độc tấu sáo nhị bầu Thế Dân – Tiến Vượng – Kim Thành cũng rất có giá trị. Nếu có các CD sáo đệm cho nghệ sỹ ngâm thơ và các bản chèo cổ thì cũng rất tốt. Nói chung là cần nghe thật cẩn thận các bản thâu kinh điển trước để cảm nhận được tính chất nguyên thủy của sáo trúc thời kì ban đầu, tức là lúc mà các nhạc cụ dân tộc chưa bị phai tạp bởi các dòng nhạc thị trường sau này (khi mà sáo trúc thường chỉ được sử dụng để dạo vài câu)
- Không có gì giá trị hơn là việc tập luyện thật chăm chỉ. Tuy nhiên tập luyện chăm chỉ cũng không tốt nếu như ta luôn cố chấp với những hiểu biết nhất thời của mình trong cách bỏ ngón, sử dụng hơi, vân vân. Các hạn chế sự phát triển trong việc chơi sáo trúc phần lớn tới từ các thói quen sai, chứ không phải tới từ các hạn chế vì không tập được các kĩ thuật khó. Các bạn cần rất lưu ý điều này để có thể có những giai điệu hay và truyền cảm nhất
Một số câu chuyện về các kĩ thuật cơ bản
- Lưỡi đơn, lưới kép và reo
Điều phân biệt giữa một người đã tập sáo và chưa từng tập sáo nằm ở kĩ thuật chơi lưỡi đơn. Nói một cách dễ hiểu thì ai cũng biết rằng một bản nhạc luôn là tổ hợp của các nốt nhạc. Vậy trước khi chơi một bản nhạc hoàn chỉnh thì anh cần phải chơi cho rõ ràng từng nốt riêng lẻ trước. Một nốt chỉ được chơi một cách rõ ràng, dõng dạc khi người chơi đã biết dùng lưỡi đơn. Bản nhạc do một người không sử dụng lưỡi đơn biểu diễn thường sẽ bị trôi tuột đi từ đầu tới cuối, chỉ có hơi mạnh hơi nhẹ và không thấy có nốt. Giai điệu từ đó cũng không thành hình
Một số bạn khi đang tập chơi kiểu tùy nghi quen khi bị ép vào khuôn khổ là đánh lưỡi đơn thì phản ứng bằng lập luận là đánh hơi sẽ làm cho các nốt nhạc bị lẫn tạp âm. Điều này vừa đúng vừa không đúng. Đúng là vì tạp âm chắc chắn sẽ có, và người chơi sẽ chính là người cảm nhận rõ nhất. Không đúng là vì dần dần tập quen thì tạp âm sẽ hết phô, và thật ra người nghe sẽ không cảm nhận được gì ngoài sự cứng cáp trong giai điệu mà bạn biểu diễn. Hơn nữa khi bắt đầu tập được lưỡi đơn thì khi đó bạn mới bắt đầu dụng công được. Không dụng công được thì bao giờ bản thâu cũng rất yếu, giống như hết hơi sắp chết vậy. Do đó vấn đề không phải là tập hay không tập. Mà vấn đề là tập như thế nào để sớm loại được sự khó chịu ban đầu của cả người chơi và người nghe
Các bản thâu của thầy Nguyễn Đình Nghĩa thường gây cho người ta cảm giác rằng ông không chơi lưỡi đơn. Đây là sự kì diệu của Sáo thần, các bạn mới tập chơi xin chớ bị lẫn lộn. Sáo thần ở đây là một bậc thầy về kĩ thuật, hư hư thực thực, rất là vi diệu
Lưỡi kép là một kĩ thuật khó. Đặc biệt là đối với các bản nhạc phức tạp. Tuy nhiên lầm lẫn cơ bản là ở chỗ các bạn mới bắt đầu đánh được lưỡi kép thường tưởng rằng như thế là đã thành tựu. Điều này thực ra không những không đúng mà còn rất sai. Cái sai thứ nhất là ở chỗ đánh lưỡi kép rất cần đúng nhịp. Sự chính xác đối với kĩ thuật này lên tới 1/4 và 1/8 phách, đôi khi là 1/16 nữa. Cái sai thứ hai là khi đã bị sai nhịp rồi thì rất khó sửa, vì kĩ thuật này yêu cầu sự phối hợp của việc dùng hơi, đánh lưỡi và bỏ ngón ở tốc độ rất cao
Đây là ví dụ tốt nhất về việc đánh lưỡi, các bạn hãy lắng nghe thật kĩ để có những cảm nhận về nhịp trong lưỡi kép: Bài ca tháng năm do Nguyễn Hoàng Anh thể hiện, nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa điều khiển
http://www.youtube.com/watch?v=ikGi69dwoVI
Reo là một kĩ thuật tưởng như khó nhưng thật ra là dễ hơn đánh lưỡi kép. Tuy vậy số lượng các bạn tập đánh lưỡi kép sai kĩ thuật lại nhiều hơi các bạn tập thành công kĩ thuật reo. Thật ra kĩ thuật reo thì không phức tạp lắm
Tuy nhiên cách đây mấy năm mình có nghe anh Ngọc Anh nói rằng thầy của ảnh (tức là thầy Triệu Tiến Vượng) đang thử nghiệm cách reo trong khi chạy ngón và reo khi đánh lưỡi tứ để tạo giả âm tiếng suối chảy trên đá sỏi cuồn cuộn. Mình chưa được nghe bản thâu nào mà kĩ thuật này được chơi một cách hoàn chỉnh, nhưng chắc là có thực. Kĩ thuật reo này khi đó quả thực sẽ là một điểm rất độc đáo của sáo Ta so với sáo Tàu. Sáo Tàu có màng rung rất khó giữ được những kết hợp kĩ thuật độc đáo như thế này
Kĩ thuật hơi: ém hơi, ngân, rung, chuyền hơi
Bài tập đầu tiên dành cho những người tập tương đối chính quy là việc dùng hơi. Ban đầu nên bắt đầu bằng việc thổi thật to và rõ ràng từng nốt một. Giữ âm càng lâu càng tốt, nhưng độ to không thay đổi, nghĩa là hơi được truyền ra một cách đều đặn. Đây là bài tập căn bản của người tập sáo, cũng giống như việc đứng tấn vậy
Ém hơi và rung hơi là các kĩ thuật sử dụng trong bản nhạc để đảm bảo giai điệu được truyền tải và tạo ra sự duyên dáng cũng như mạnh mẽ của từng câu nhạc. Rung hơi là lựa chọn những nốt, những kết, những độ cao nhất định để tiếng sao ngân rung lên như màng mỏng rung lên trong không gian, từ đó tiếng sáo được truyền đi xa và tạo được cảm giác động của bản nhạc. Chỗ này rất tế nhị vì nó liên quan mật thiết tới tính động của các nhạc cụ dân gian của nước ta, nếu đem so với các nhạc cụ phương Tây lại có tính tĩnh là căn bản. Sự chơi vơi không bị gò bó trong âm vực là một nét rất quyến rũ của âm nhạc dân tộc. Ém hơi cũng có phần nào chức năng tạo tính động như thế. Khi mà tiếng sáo lúc cần trong, lúc cần đục. Lúc cần ầm ào như sóng chảy, như lũ cuốn, lúc lại cần mỏng manh, thanh mảnh như sợi chỉ, lá liễu. Các kĩ thuật này không khó. Điểm mấu chốt là người chơi cần cảm nhận được những ý tứ trong toàn bài để truyền tải cho đúng
Tiếng sáo trên nương do Hồng Thái sáng tác dành riêng cho sáo trúc 10 lỗ là một tác phẩm tiêu biểu cho các kĩ thuật này. Dưới đây là bản thâu do thầy Triệu Tiến Vượng thể hiện
http://www.youtube.com/watch?v=WV6Cx5JUew4
Hồng Thái cũng là tác giả của cuốn sách tập sáo trúc 10 lỗ căn bản mà nhạc viện đã sử dụng suốt một thời gian dài và hình như bây giờ vẫn còn dùng. Các bạn chơi sáo 10 lỗ nên có sách tập căn bản này. Có thể kết hợp dùng chung với tập phổ do thầy Vượng soạn (chưa in chính thức). Hai tài liệu này có tính bổ trợ cho nhau rất tốt. Một số chi tiết về ém hơi và rung hơi trong tập của Hồng Thái bị lướt qua thì đều được làm rõ qua hệ thống bài tập rất hiện đại của thầy Vượng
Chuyền hơi là một kĩ thuật rất khó tập luyện. Có thể nói đây là kĩ thuật nội công, thuộc về bộ võ nhiều hơn là bộ nhạc. Đôi khi nó cũng bị lạm dụng. Mình sẽ trở lại với kĩ thuật này trong một bài viết khác
Về giai điệu: cảm âm và sử dụng nhạc phổ. Láy, rền và bỏ ngón
Nếu như lưỡi đơn là ranh giới giữa người tập sáo và người chơi cho vui, và sử dụng hơi là điểm để phân biệt người tập ngang và người tập tương đối chính quy, thì việc sử dụng nhạc phổ là căn bản giữa người có khả năng biểu diễn và người chơi theo cách ứng tác
Cũng phải nói rằng hầu hết những người có thể sử dụng nhạc phổ đều có khả năng cảm âm rất tốt. Điều này phải nói rõ với các bạn có suy nghĩ rằng nếu cảm âm giỏi thì chơi theo cảm âm là được rồi, khỏi chơi theo nhạc phổ làm gì để các bạn suy nghĩ thêm. Thật ra suy nghĩ như vậy của các bạn vừa đúng vừa không đúng
Đúng là ở chỗ, khi cảm âm thật ra anh đã cảm cả nốt nhạc, giai điệu và cả tinh thần và cảm xúc được truyền tải trong bản thâu. Việc cảm thụ được tinh thần của tác giả và cảm xúc của người biểu diễn trong các bản thâu cụ thể là điều tuyệt đối có giá trị. Có những người chơi với kĩ thuật rất cao nhưng không thể so sánh được với những người chơi theo cảm âm ứng tác chính là ở điểm này. Bởi lẽ rốt cuộc thì cái cảm xúc mới là cái đích chủ yếu của nghệ thuật. Mọi kĩ thuật được sinh ra là để phục vụ nhu cầu này Nghệ thuật vị nghệ thuật là một cách nói ẩn dụ của những người hiểu biết rất tường tận nghệ thuật vị nhân sinh
Đinh Thìn là một người chơi với kĩ thuật siêu phàm, nhưng ai cũng có thể cảm nhận tính ứng tác và đôi khi khó phân biệt một bản thâu do những người chơi theo cách cảm âm ứng tác với bản thâu gốc của Đinh Thìn. Tuy nhiên càng tập nhiều, công lực càng cao thì sự khác biệt càng được thể hiện rõ. Tuy nhiên các bản độc tấu của Đinh Thìn thì đúng là dường như cảm xúc tuyệt đối quan trọng hơn kĩ thuật. Các bạn có thể nghe lại Trăng sáng quê tôi và Nhớ về Nam để cùng cảm nhận
http://www.youtube.com/watch?v=MrbjJCzHDwE
Vậy tại sao nhạc phổ lại quan trọng và tập theo nó thì có ích gì?
Trước hết là nhạc phổ là cách thức để tác giả tới với người tập một cách chân thực nhất. Tất nhiên nếu bạn may mắn tập với một người thầy có khả năng sư phạm tốt và đồng thời là một nghệ sỹ tài danh thì bạn sẽ có nhiều khả năng có được những chân truyền và bí kíp mà không ai có được khi sử dụng nhạc phổ để lại. Nhưng đây là những trường hợp hiếm hoi trong nghệ thuật ngày nay. Có chăng đó là ở bộ môn sáo chèo, các ngón tiêu. Đối với sáo trúc 10 lỗ (loại sáo phổ biến nhất hiện nay) thì mọi chuyện không huyền bí đến thế
Vì lý do này mà nhạc phổ trở nên phương tiện truyền dẫn mặc định, và do tính chất đặc thù của nó nên nó có vai trò cực kỳ quan trọng đối với trước hết là chính các bản nhạc. Sau đó mới tới người tập
Một mặt khác là thường thì với một người có khả năng cảm âm ở mức độ trung bình thì để tập một bản nhạc có độ khó nhất định cần không ít thời gian. Lý do là để cảm và chơi được giai điệu chính thì rất nhanh. Nhưng mọi chuyện trở nên khó khăn (đôi khi là bất khả thi) ở những chỗ xử lý tinh tế và yêu cầu kĩ thuật vừa cao, vừa lành nghề, lại vẫn ý tứ, duyên dáng. Những điều này thường được ghi chú rất rõ ràng trong nhạc phổ, nhưng khả năng cảm âm của mọi người thường chỉ biết được tới đoạn “là gì”, chứ rất khó để biết được “như thế nào”. Điều này đặc biệt phổ biến đối với các kĩ thuật láy, rền
Láy và rền là các kĩ thuật xuất phát từ chèo. Trong đó các bản chèo chỉ cần giữ được các điệu chính. Còn sự ứng tác là dành cho các nghệ sỹ đệm. Các nghệ sỹ đệm sáo cho dàn chèo cần sự ứng biến rất cao, vì chèo là bộ môn nghệ thuật có sự tương tác giữa người chơi và người nghe, do đó các kịch bản thường là không bị đóng cứng, và đôi khi là rất lộn xộn. Trong bối cảnh đó các kĩ thuật được vận dụng như thế nào để vừa đảm bảo tính chính quy của các giai điệu mà vẫn có được sự mềm mại trong sân biểu diễn? Đấy chính là một chỗ khó căn bản của việc sử dụng các kĩ thuật như láy ngón và rền hơi ở giữa và cuối các câu nhạc trong các bản sáo trúc cao cấp
Việc sử dụng hơi kết hợp cùng các kĩ thuật loại này yêu cầu một khả năng cảm âm thần diệu, hoặc một khả năng chơi theo nhạc phổ ở mức tương đối tốt là đủ. Rõ ràng như thế thì đối với phần lớn mọi người, việc tập theo nhạc phổ là chuyện chắc chắn phải có nếu như muốn chơi được những bản nhạc đa dạng loại này. Đặc biệt là đối với các ca khúc Nam Bộ có kết hợp ngón láy của chèo và bỏ ngón đặc thù của các loại Hò sông nước. Các bạn có thể nghe một bản thâu của một nghệ sỹ nữ biểu diễn một giai điệu Nam Bộ với những cú bỏ ngón rất đặc trưng và rất khó cảm được, hơn nữa dù cho bạn có thể cảm âm được thì cũng rất dễ bị lạc sang láy ngón kiểu chèo, điều này rất nguy hiểm, vì tinh thần của bản nhạc sẽ hoàn toàn bị truyền tải sai, người ta gọi những bản thâu như vậy là bản thâu chưa có hơi
http://www.youtube.com/watch?v=v9tocDyEdBs
Biểu diễn một bản nhạc hoàn thiện
Một điều đáng tiếc là nhiều người tập sáo lại không chơi trọn vẹn các bản nhạc mà họ tập. Thường thì một bản nhạc sẽ cuốn hút được những người nghiệp dư vì một số câu, một số đoạn ngắn. Nhưng thật ra cái hay của một bản nhạc lại nằm ở tính toàn vẹn của nó. Sự điểm xuyết của những ca từ “vút lên cao” là cần thiết nhưng không bao giờ truyền tải được toàn vẹn xúc cảm trong đó
Hơn nữa đối với người mới tập thì việc trình bày được trọn vẹn một bản nhạc thực sự là một bước tiến lớn. Thứ nhất là vì nó thể hiện một tiến cảnh nhất định của người tập đối với âm nhạc. Và thứ hai là vì nó sẽ cho người tập biết đích xác âm điệu của một nhạc cụ trong việc thể hiện một ca khúc là như thế nào. Đối với sáo trúc thì điều này còn quan trọng hơn
Một bài thâu trọn vẹn sẽ yêu cầu sự thể hiện linh hoạt và đúng đắn của các kĩ thuật trong mối liên hệ tổng thể với nhau: mở đầu bằng ém hơi, kết câu bằng ngân, rung ở trên cao, láy rền khi chuyển đoạn, bỏ ngón để tạo biến hóa, chuyền hơi để xây dựng kết cấu của câu truyện được gói trong nhạc phổ, lưỡi kép để truyền xúc cảm. Tất cả sẽ chỉ là những kĩ thuật khi đứng riêng rẽ. Nhưng ngược lại chúng có tính đưa đẩy và hòa quyện để đưa những nốt nhạc tới với sự hoàn mĩ. Bấy giờ tiếng sáo trúc có khả năng tạo ra một bầu không gian rộng lớn và đậm chất ruộng đồng quê hương. Đây mới là điều mà không loại nhạc cụ nào khác có thể làm được. Do đó chơi trọn vẹn một ca khúc chính là cách để tiến tới gần với tiếng sáo trúc nguyên thủy, tới với cây đa bến nước sân đình và với những chú bé chăn trâu cắt cỏ nhất. Bỏ phí đi giá trị này thì hầu như có thể thay việc tập sáo trúc bằng việc tập flute với những giá trị nghệ thuật và tình cảm phương Tây
Một lần nữa lại phải trở lại với Nguyễn Đình Nghĩa với bản thâu Tình Ca do Phạm Duy sáng tác. Đây có thể nói là một bản thâu rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ các kĩ thuật mà Sáo thần sử dụng hầu hết là đơn giản, và ai cũng có thể tập được một cách dễ dàng, kể cả người nghiệp dư. Tuy vậy sự thành công của bản chuyển soạn lại đến ở tính toàn vẹn và một số điểm xử lý tinh tế các đặc thù phương Tây trong các sang tác của Phạm Duy
http://www.youtube.com/watch?v=NjgUw75tAC8