Hiệu chỉnh các sai số khi chế tạo tiêu sáo

Hướng dẫn cách làm chế tạo tiêu-sáo trúc cơ bản:

tan man tieu sao

Ở bài viết trước, mình đã viết về các công thức tính toán làm sáo tiêu. Nhưng thực tế cho thấy, không có công thức nào đúng hoàn toàn cả. Thậm chí, khi áp dụng làm sáo tiêu siêu trầm, nó còn sai số rất nhiều. Các công thức kinh nghiệm của các thầy các người đi trước truyền lại, mình không nói đến ở đây, vì thực tế, các công thức đó theo mình là không đúng và đủ theo nguyên lý của âm thanh của tiêu sáo. Công thức tính khá phức tạp mà mình tìm hiểu bên nước ngoài, thông qua các từ khóa tiếng anh như “calculate flute”, “flute physical”, … (các bạn có thể tự serch google tìm hiểu thêm hoặc vào mục cách làm sáo của mình để sử dụng thử công cụ tính toán làm sáo tiêu) vẫn có sai số. Vậy sai số là ở đâu, và hiệu chỉnh như thế nào??? Các bạn đọc tiếp nhé!

Các sai số trong các công thức tính toán làm tiêu sáo (sáo trúc)

Trước khi đọc tiếp, các bạn nên đọc trước bài viết Những yếu tố ảnh hưởng đến cao độ của tiêu sáo. và bài viết Các phương pháp tính toán thông số làm sáo tiêu

Sai số do người thổi và điều kiện môi trường.

  • Ngửa môi, che lỗ thổi ít thì tiếng sáo cao và ngược lại thì tiếng sáo thấp đi. Nguyên nhân là do góc phản xạ ở lỗ thổi và diện tích luồng hơi đi vào lỗ thổi.
  • Nhiệt độ môi trường cao thì tiếng sáo cao và ngược lại. Nguyên nhân là do nhiệt độ ảnh hưởng đến vận tốc truyền âm, mà tần số thì bằng vận tốc chia cho bước sóng. Tuy nhiên, khi thổi sáo, thì môi trường không khí trong ống sáo chủ yếu là hơi của mình thổi vào, nên nhiệt độ môi trường sẽ ổn định nếu chúng ta thổi một thời gian và biết cách điều chỉnh. Dù vậy, nó vẫn có sự ảnh hưởng không hề nhỏ.
  • Mật độ luồng hơi: hơi khỏe hơn, đầy đặn hơn, mạnh hơn thì tiếng sáo không những to hơn và còn cao hơn. Nguyên nhân là do luồng hơi luồng hơi thổi vào sẽ như làm ngắn lại ống cộng hưởng và … Nói chung, thực tế nó thế, chứ giải thích thì mình cũng chưa rõ ràng lắm.
  • Như vậy, nếu các bạn thổi sáo và test sáo trong các điều kiện khác nhau hoặc người test khác nhau thì hiển nhiên kết quả sẽ khác nhau. Thế nên, dù cho các bạn có áp dụng công thức tính toán nào, thông số sáo mẫu nào đi nữa thì luôn có sai số.

Sai số khi áp dụng công thức tính toán làm tiêu sáo của nước ngoài

  • Đây là các công thức mình sưu tầm được bên nước ngoài. Như đã nói ở trên, nó rất phức tạp và có nhiều hiệu chỉnh theo đường kính nòng, diện tích lỗ khoét, độ dày thành, nhưng thực tế cho thấy vẫn tồn tại sai số. Nguyên nhân:
  • Đường kính nòng và độ dày thành của ống nứa, ống trúc có sai số: Thông thường, ống trúc nứa sẽ có đầu to đầu nhỏ, ở giữa mỏng hơn, to hơn.
  • Độ mạnh và độ đầy của làn hơi chưa được nhắc đến trong các bước tính của công thức này, mà theo mình thì nó chắc chắn có ảnh hưởng. Theo thực tế mình thấy, nếu hơi đầy và khỏe, tiếng sáo thực tế sẽ cao hơn so với lý thuyết.
  • Sự cản trở của mặt trong lòng ống trúc nứa: Khi test tiêu sáo, nếu các bạn đổ nước vào, hoặc bằng cách nào đó làm bóng lòng trong của nó, thì cường độ và tần số của âm thanh phát ra khi thổi sẽ to và cao hơn. Khi sáo “vỡ tiếng” cũng vậy, nó không những tiếng sáo đẹp hơn, bắt hơi hơn mà còn cao hơn.
  • Nút chặn: đối với công thức tính hoặc công cụ tính mà mình tìm hiểu được bên nước ngoài thì nó áp dụng với nút chặn ngay sát miệng thổi nên khi ta làm nút chặn xa ra, thì tấc nhiên có sai số. Việc để nút chặn xa ra sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các nốt phía trên, các nốt cao như la si và quảng 2. Do vậy, khoảng cách sol-la, la-si thực tế của sáo thường dài hơn khoảng cách tính được bằng công thức.

Sai số khi áp dụng công thức tính toán làm tiêu sáo theo cung

  • Đây là công thức của một số người truyền lại và cải biên theo nhiều kiểu khác nhau (công thức này cũng có trong sách hướng dẫn làm sáo của thầy Trịnh Tuấn). Theo cách tính mà mình tìm hiểu của nước ngoài, thì nếu các lỗ khoét có kích thước như nhau giữa 2 cây sáo cùng một tone và một chuẩn âm, thì dù đường kính như thế nào, thì khoảng cách giữa các lỗ bấm là như nhau và chỉ khoảng cách của nó với lỗ thổi là ngắn hay dài đi. Vì thế mà nếu đường kính khác nhau nhiều, thì hoàn toàn công thức kinh nghiệm đó sẽ có sai số.

Sai số khi áp dụng thông số tiêu sáo mẫu để chế tạo tiêu sáo (sáo trúc)

  • Trong công thức tính toán của nước ngoài thì kích thước lỗ bấm lỗ thổi, đường kính lòng, độ dày thành đều ảnh hưởng đến tần số tiêu sáo. Vậy nên, dĩ nhiên là muốn áp dụng thông số tiêu sáo mẫu thì chúng ta phải hiệu chỉnh theo các yếu tố đó. Ngoài ra, chúng ta còn phải hiệu chỉnh theo những yếu tố mà mình đã nêu ở trên.

Như vậy, các công thức đều có sai số, và sau đây mình xin chia sẽ một vài cách hiệu chỉnh nhỏ nhỏ.

  • Thứ nhất: Các bạn phải tạo môi người, luồng hơi ổn định, đầy đặn khi bước vào test để chế tạo sáo tiêu bằng cách xông hơi, khởi động cơ thể, làm nóng ống nguyên liệu.
  • Thứ hai: Tập thổi sáo chuẩn trước khi làm sáo, test sáo. Thổi sáo như thế nào là chuẩn: Tấc nhiên, không thể ai thổi cũng giống nhau do tùy vào cơ địa từng người, cấu tạo môi, nhưng điều kiện tối thiểu là các bạn phải thổi được làm sáo tương đối chuẩn từ do1 đến do3 của một cây sáo được xem là chuẩn.
  • Thứ ba: Ước lượng chuẩn đường kính độ dày của ống trúc nứa. Theo như mình đã phân tích ở trên về cấu tạo ống trúc nứa, thì nếu ống trúc nứa có đường kính đo được là 13mm chẳng hạn, thì nên sử dụng vào công thức là 14mm (tấc nhiên phải tùy vào từng ống mà ước lượng khác nhau).
  • Thứ tư: Để tần số các nốt trong phép tính thấp hơn một chút so với tần số chuẩn. Cái này thì còn tùy vào luồng hơi của bạn mạnh hay yếu, dày hay mỏng nữa.
  • Thứ năm: kéo các nốt phía trên gần về lỗ thổi hơn một chút nếu để nút chặn xa ra.
  • Và cuối cùng, hiệu chỉnh bằng kích thước lỗ thổi, khoét lên khoét xuống một cách phù hợp. Cái này thì tùy vào kinh nghiệm từng người và từng trường hợp, mình chỉ chia sẽ một nguyên lý chung đó là: Khoét lên, khoét to ra thì tần số đều tăng (nên đừng nghĩ là nếu bị cao thì khoét to về phía dưới nhé), lỗ thổi to lên thì tần số các nốt đều tăng, lỗ thổi gần về lỗ bấm thì các nốt phía trên sẽ tăng tần số nhiều hơn, nút chặn càng xa càng ảnh hưởng đến các nốt cao hơn, diện tích lỗ khoét ảnh hưởng đến quảng cao nhiều hơn quảng thấp nhưng khoảng cách lỗ bấm với lỗ thổi lại ảnh hưởng đến tần số quảng thấp nhiều hơn, … Các nguyên lý trên khá chính xác với sáo ngang, còn với động tiêu nó có chút khác. Nếu có thời gian, mình sẽ viết riêng một bài về chế tạo động tiêu.

NHỚ ĐỂ LẠI GÓP Ý Ở PHẦN BÌNH LUẬN!

Mình rất vui khi các bạn đã đọc bài viết này!

Lãng Tử Sáo

Bình luận

Bình luận

Call Now Button